Nội dung bài viết
Một bài viết về chủ đề giao tiếp trên blog của mình. Những điều mình học được từ nhiều nguồn và vận dụng trong cuộc sống có kết quả.
Giao tiếp luôn rất quan trọng. Nó quyết định bạn sẽ được yêu thích hay “bị ghét”. Chẳng ngẫu nhiên mà có rất nhiều cuốn sách và các khoá học về giao tiếp.
Bài viết của mình sẽ chia sẻ những điều cá nhân mình cảm thấy tốt và hiệu quả trong giao tiếp . Top 5 điều bạn cần chú ý để giao tiếp tốt hơn. Mình hy vọng bài viết có giá trị tham khảo cho các bạn.
Hãy tập trung lắng nghe đừng sao nhãng
Trong giao tiếp việc nói nhiều chưa hẳn đã tốt bằng việc biết cách lắng nghe. Việc tập trung lắng nghe không sao nhãng là cách bạn tôn trọng người đối diện và tôn trọng cuộc nói chuyện.
Mình thỉnh thoảng vào quán cà phê và trò chuyện với bạn bè. Nhìn xung quanh thấy các cặp đôi, hội nhóm, vợ chồng mỗi người trên tay cầm một chiếc điện thoại .
Họ vừa trò chuyện vừa lướt màn hình trên điện thoại. Đây là quyền cá nhân của mỗi người. Nhưng mình tin, người đối diện sẽ thích việc bạn nhìn họ và lắng nghe một cách chăm chú . Hơn là bạn vừa nói chuyện với họ vừa dùng điện thoại.
Chiếc điện thoại không làm bạn và người giao tiếp xa cách. Mà chính là sự không tập trung của bạn làm cuộc nói chuyện thật nhạt nhoà.
Nếu đã dành thời gian cho một người nào đó. Bạn hãy dành mọi sự tập trung cho họ. Khi bạn vừa làm đồng thời một lúc hai việc. Ví dụ như vừa nghe người khác nói chuyện vừa làm việc gì đó.
Sự sao nhãng sẽ xảy ra, bạn chắc chắn sẽ không thể giao tiếp một cách hiệu quả và hiểu hết những gì người khác truyền tải.
Khi bạn thực sự lắng nghe người khác. Đó chính là món quà tốt nhất dành cho họ. Cũng là cách tốt nhất để bạn hiểu họ hơn và sống đúng trong khoảnh khắc hiện tại.
Việc tập trung một trăm phần trăm vào cuộc trò chuyện chính là thể hiện sự tinh tế , tử tế của bạn đối với người khác. Nếu bạn tôn trọng mọi cuộc trò chuyện. Mình chắc chắn bạn sẽ nhận lại được sự tôn trọng từ người khác trong giao tiếp.
Thói quen lặp lại từ ngữ
Nếu các bạn có thể thu âm lời nói của bản thân trong các cuộc đối thoại. Mình nghĩ sẽ còn khá nhiều bạn bị vướng vào lỗi lặp lại từ nhiều lần. Việc lặp từ này đôi khi là một thói quen mà bạn không nhận ra.
Nhưng nếu nghe kĩ bạn sẽ thấy điều này tạo cảm giác bạn “dài dòng”, ý chính không được thể hiện rõ .Và người giao tiếp cùng bạn có thể cảm thấy không thoải mái.
Với những người giỏi về lĩnh vực giao tiếp hay đã được đào tạo có thể họ sẽ khắc phụ được lỗi này. Mình nghĩ bạn thỉnh thoảng có thể thử ghi âm một cuộc nói chuyện của bản thân để tự cảm nhận mức độ lặp lại từ của mình.
Từ đó có sự điều chỉnh rèn luyện phù hợp. “ Học ăn, học nói, học gói, học mở.” Việc học cách giao tiếp là việc cả đời, mỗi ngày đều rèn luyện. Điều này sẽ giúp bạn ngày càng giỏi hơn trong quá trình giao tiếp với người khác.
Không dùng tông giọng cao vút của bạn
Ai cũng đồng tình rằng giọng nói là một vũ khí lợi hại trong các cuộc trò chuyện . Rất nhiều lớp luyện giọng nói ra đời. Lớp luyện giọng này không phải là dành riêng cho lĩnh vực ca hát mà là dành cho việc giao tiếp.
Khi hát một bài hát bạn có thể lên giọng cao vút. Nhưng khi trò chuyện giọng nói ổn định, không quá cao sẽ tạo cảm giác tốt hơn.
Trong cuộc hội thoại khi bạn dùng giọng cao. Nó có thể nghe khá “ chói tai” và dễ dàng bộc lộ tâm trạng của bạn khi mất kiểm soát . Vì giọng nói đôi khi phản ánh rất nhiều về cảm xúc của mỗi người.
Có bạn nói rằng vậy có trường hợp tôi cần phải lên giọng cao thì sao? Có lẽ trong cuộc sống đôi lúc bạn phải cần dùng đến tông giọng ấy.
Nhưng thông thường những cuộc đối thoại giao tiếp bạn nên giữ cho mình một trạng thái cân bằng. Một giọng nói ôn hoà, nhẹ nhàng tránh lên cao giọng . Điều này sẽ giúp người đối diện có thiện cảm với bạn hơn.
Không nên cho lời khuyên khi không được yêu cầu
Lại một lần nữa mình khẳng định việc lắng nghe là vô cùng quan trọng. Trong các cuộc trò chuyện với người thân quen, bạn bè, đồng nghiệp… họ có thể đang than vãn hay kể với bạn về vấn đề mà họ gặp phải.
Bạn hãy thực sự lắng nghe một cách tập trung để hiểu rõ vấn đề của người nói. Vui lòng nghe hết những lời họ nói và tạm thời đừng đưa ra ý kiến hay cho một lời khuyên .
Nếu người nói đang cần lời khuyên của bạn. Khi kết thúc họ sẽ hỏi bạn cũng như mong muốn bạn cho họ lời khuyên . Đây mới là lúc bạn có thể nói ra những điều bạn nghĩ là có thể giúp được người đối diện.
Nhưng thỉnh thoảng trong một vài cuộc giao tiếp, người đó chỉ muốn chia sẻ và bạn lắng nghe là đủ. Vì thế bạn không cần phải đưa ra những lời khuyên, những phân tích của bản thân khi không được yêu cầu.
Một sự chú ý mình nghĩ đa phần mọi người đều biết và hiểu. Nhưng đôi khi chúng ta vẫn mắc phải trong giao tiếp. Đó là tự động ngắt câu chuyện của người khác bằng việc “chen “ lời nói của bản thân vào.
Hãy để người nói được kể hết những điều họ muốn nói. Đừng cố thể hiện sự “ muốn nói” ,” muốn cho lời khuyên” của bản thân khi người khác vẫn chưa nói xong.
Nếu bạn làm được hai điều này, mình tin sẽ có nhiều người yêu thích bạn hơn trong giao tiếp. Vì lắng nghe ,thấu hiểu tạo nên sự yêu quý trong giao tiếp. Chứ không phải nói nhiều và hay liên tục đưa ra lời khuyên không cần thiết mới tạo nên sự yêu thích.
Học cách từ chối, cách nói không trong giao tiếp
Từ chối hay nói “ không “ trong giao tiếp có thể là một “ thế khó” đối với một ít người. Nhưng trong cuộc sống có những tình huống bạn phải từ chối người khác.
Có nhiều bạn hỏi rằng có nên “ bọc đường “ cho những lời từ chối hay không? Chẳng hạn khi một người bạn vay tiền bạn, nhưng bạn đang thực sự không có.
Hay trường hợp bạn thân hẹn bạn gặp mặt cuối tuần nhưng bạn cảm thấy không khoẻ lắm và muốn nghỉ ngơi thời gian cuối tuần…
Với những người thân, người quen biết hiểu bạn và yêu thương bạn. Họ sẽ hiểu được bạn và thông cảm cho bạn. Tuy nhiên đừng từ chối một cách mang tên “ thẳng thắn” mà không nói thêm bất cứ điều gì.
Bởi vì đó cũng là một cuộc giao tiếp. Bạn không thể dùng cách nói tính tôi rất thẳng thắn. Sau đó bạn dùng những lời nói sắc nhọn tổn thương người khác được.
Hãy từ chối và đưa ra một lý do thích hợp. Nếu có thể hãy cho đưa ra một sự lựa chọn cho lần sau.
Có nhiều bạn nghĩ rằng cứ từ chối và nói thẳng thắn. Người yêu thương mình sẽ không buồn đâu. Nếu nói ra lý do thì đôi lúc lại phản tác dụng làm lời từ chối bạn khá “ yếu ớt”.
Nhưng với cá nhân của mình , mọi thứ đều phải nói ra một cách nhẹ nhàng và thể hiện bản thân mình hoàn toàn có thiện chí nhưng hiện tại chưa thể làm được.
Đây không phải là cách bạn thể hiện tình cảm với người trò chuyện cùng sao? Nếu họ quan trọng với bạn thì việc “ bọc đường “ cho những lời từ chối có sao đâu?
Chỉ những người hết lần này lần khác vượt qua giới hạn của bạn. Những người không thân quen lắm nhưng lại muốn “ lấn lướt” bạn hết lần này đến lần khác.
Rõ ràng họ biết bạn vô cùng khó xử nhưng vẫn đưa ra những yêu cầu quá đáng. Thì việc bạn bày tỏ thái độ nói “ không” một cách rõ ràng dứt khoát mới có hiệu quả.
Hãy tránh làm tổn thương người khác trong cả việc nói không. Điều này sẽ giúp bạn tránh được những sự khó chịu ngầm của người đó.
Thêm bạn bớt thù luôn là phương châm sống rất đúng đắn. Đừng tạo nên những sự “ ghét bỏ” không đáng có, vì những lỗi nhỏ trong giao tiếp. Đặc biệt là trong trường hợp bạn từ chối một ai đó.
Mình vừa đưa ra top 5 điều bạn cần chú ý để giao tiếp tốt hơn. Đây là những điều mình học được từ kinh nghiệm mang tính chất cá nhân.
Mình mong rằng bài viết mang lại hữu ích cho các bạn. Để tất cả chúng mình cùng ngày một giao tiếp tốt hơn . Chúng ta sẽ được nhiều người yêu quý hơn và có những mối quan hệ thực sự sâu sắc hơn.
Cảm ơn các bạn thật nhiều vì đã ghé thăm trang hannablog.com để đọc những bài viết của mình. Mình hẹn gặp các bạn vào những bài viết tiếp theo nhé.